Chuẩn bị cây con:
Sử dụng các khay ươm cây (loại 50 lỗ) để gieo hạt, mỗi lỗ 1 hạt.
Giá thể cần được làm ẩm trước khi gieo. Hàng ngày, tùy vào điều kiện thời tiết, tưới nước đủ ẩm để giúp hạt nảy mầm. Gieo trực tiếp hạt giống khô vào khay hoặc ngâm hạt trong nước ấm 45-500C (2 sôi + 3 lạnh) trong 2 giờ, sau đó ủ hạt cho nứt nanh rồi tiến hành gieo vào khay. Có thể dùng mụn dừa hoặc trộn với tro trấu và phân hữu cơ để làm giá thể gieo hạt.
Trong vườn ươm cần chú ý: Phòng trừ bọ phấn trắng, bọ trĩ là môi giới truyền bệnh virus cho dưa lê. Ngoài ra cần phòng trừ bệnh héo rũ cây con. Tốt nhất cây nên gieo trong nhà màng có lưới ngăn côn trùng. Ngoài việc cung cấp đủ ẩm cho cây, cần chú ý tưới dinh dưỡng cho cây. Có thể dùng dung dịch thủy canh với nồng độ bằng 1/3 tưới cho cây con.
Cây con sau gieo từ 10-12 ngày thì có thể tiến hành trồng.
Chuẩn bị giá thể trồng:
Giá thể được sử dụng là mụn dừa, trước khi trồng cần phải xử lý sạch chất chát bằng nước từ 7-10 ngày.
Giá thể sau khi xử lý được cho vào các túi nilon kích thước 40 cm x 40 cm hoặc luống trồng cây, kích thước luống: cao 30 cm, rộng 30 cm và dài 20-30 m (tùy thuộc vào chiều dài của nhà lưới).
Thiết bị tưới:
Thiết bị tưới cho kiểu trồng trong túi được sử dụng là một đầu cắm tưới nhỏ giọt loại 60 hoặc 80 cm.
Thiết bị tưới cho kiểu trồng luống là sử dụng dây tưới nhỏ giọt có khoảng cách giữa 2 lỗ là 20 cm (2 dây/luống).
Trồng và chăm sóc:
Mật độ trồng:
Dưa lê trồng trong nhà màng với mật độ 22.000-28.000 cây/ha.
Tiến hành trồng hàng đôi, khoảng cách hàng là 1,2 m, khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 0,6 m.
Tưới nước và bón phân:
Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp.
pH cho dung dịch tưới: 5,5-6,5.
Chăm sóc:
Khi cây cao khoảng 20 cm thì nên bắt đầu quấn dây cho cây leo.
Sử dụng ong để thụ phấn cho dưa lê (20 ngày sau trồng). Mỗi cây để 1 quả ở cành cấp 1 tại vị trí lá thứ 10-17 tùy vào tình hình sinh trưởng của cây (tỉa bỏ các cành từ lá thứ 9 trở về gốc). Chú ý cần bấm ngọn cành và để lại 1 lá gần quả. Sau đó tỉa hết các cành nách để tạo thông thoáng và hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng. Các cành ở vị trí lá thứ 23-25 sẽ để lại 1-2 lá và bấm ngọn cành. Khi cây có 25 lá thì tiến hành bấm ngọn chính. Nên tỉa lá già dưới gốc để vườn thông thoáng và hạn chế bệnh phát sinh.
Phòng trừ sâu bệnh hại:
Sâu hại: Dưa lê trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số loài sâu hại như: bọ phấn trắng và bọ trĩ. Có thể sử dụng các loại thuốc để phòng trừ: Abamectin 6.5, Confidor, Radiant, Ascend, Mospilan...
Bệnh hại: Dưa lê trồng trong nhà màng thường bị một số bệnh như: héo rũ cây con, phấn trắng, sương mai... Có thể sử dụng các loại thuốc: Ridomil, Aliette, Topsin, Anvil, Carbendazim...
Thu hoạch:
Đối với giống Angena, sau khi trồng khoảng 60-65 ngày thì thu hoạch.
Đối với giống Chu Phấn, sau khi trồng khoảng 55-60 ngày thì thu hoạch.
Đối với giống Bảo Khuê, sau khi trồng khoảng 75-80 ngày thì thu hoạch.
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét